Về sâu bệnh, trên lúa có các đối tượng như sâu cuốn lá nhỏ bắt đầu nở, rải rác còn bướm, lứa gối tuổi 4- 5; rầy nâu bắt đầu nở rải rác và gây hại cục bộ trên nếp, Xi23, HT1,... ở xã Hương Phong, Hương Toàn, mật độ còn thấp; bệnh khô vằn gây hại các ruộng xanh tốt, gieo sạ dày; chuột tiếp tục gây hại cắn phá đòng, đặc biệt các ruộng ven đê đập, cồn mồ,... Trên cây lạc, bệnh thối gốc mốc đen và mốc trắng gây hại rải rác, tỷ lệ bệnh phổ biến 1- 3%, nơi cao 5- 7%, bệnh đốm lá gây hại ở những vùng khô hạn, chăm sóc kém, sâu khoang và sâu xanh da láng mật độ phổ biến 3- 5con/m2, nơi cao 5- 10con/m2, sâu đang tuổi 2- 4.
Theo dự báo Đài khí tượng Thủy văn Thừa Thiên Huế, cuối tháng 3 và trong tháng 4/2019 chịu ảnh hưởng các đợt không khí lạnh tăng cường yếu, gây thời tiết âm u, sương mù, mưa nhỏ, xen kẻ các đợt nắng nóng, chiều và tối có mưa dông, trùng với giai đoạn lúa trổ, có khả năng ảnh hưởng đến lúa trổ - phơi màu – vào chắc. Các đối tượng sinh vật gây hại như bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép, khô vằn… gây hại trên diện rộng giai đoạn lúa trổ; rầy nâu, nhện gié, sâu cuốn lá nhỏ,… sẽ xuất hiện nhiều lứa gối nhau và gây hại nặng vào giai đoạn cuối vụ nếu không có biện pháp phòng trừ hợp lý.
Để bảo vệ sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2018-2019 và hạn chế thiệt hại do sinh vật gây hại trên diện rộng nếu không quản lý, phòng trừ kịp thời. Phòng Kinh tế thị xã Hương Trà đề nghị các phường, xã, các HTXNN trên địa bàn thị xã Hương Trà thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và thực hiện một số biện pháp sau:
1. Đối với cây lúa:
- Bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt sẽ phát sinh gây hại nặng giai đoạn lúa trổ- chín trên tất cả các giống, cần phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa trổ vè thưa (trổ 3-5%) trên tất cả các giống bằng các loại thuốc như Beam, Vibimzol, Bemsuper, Trizole, Filia,.... kết hợp phun phòng bệnh lem lép hạt bằng Tilt Super, Sagograin, Nevo, Anvil, Vixazole, … và phun lại lần 2 khi lúa vừa trổ xong.
- Sâu cuốn lá nhỏ sẽ nở từ nay đến ngày 25/3 và lứa gối sẽ nở sau 5/4 trùng giai đoạn lúa trổ đại trà, cần theo dõi thời gian, mật độ sâu nở để phun trừ nơi mật độ cao (trên 20 con/m2) khi sâu tuổi 1- 2 bằng các thuốc: Dylan, Virtako, Verismo, Chim ưng, Comda gold, Prodifes,…
- Rầy nâu sẽ tiếp tục nở và có nhiều lứa gối nhau, đặc biệt sau khi có mưa dông và sẽ gia tăng mật độ vào cuối vụ. Thường xuyên kiểm tra, nhất là các giống nhiễm để phun trừ kịp thời nơi có mật độ cao (trên 1.500con/m2) bằng các thuốc: Chess, Cheestar, Schezgold, Startcheck, Sagometro,… Sau phun 3- 5 ngày kiểm tra lại, nếu rầy tiếp tục nở, mật độ còn cao cần phun lại lần 2 bằng các loại thuốc: Applaud-Bass, Bassa, Vibasa, … ...
- Đối với bệnh khô vằn, kiểm tra và phun trừ khi bệnh mới xuất hiện bằng các loại thuốc có hoạt chất Validamycin như Validacin, Vivadamy, Valivithaco,… Nên phun kỹ vào ổ bệnh và gần bờ kết hợp vệ sinh bờ ruộng sạch sẽ.
- Chuột sẽ cắn phá gây hại mạnh trở lại giai đoạn lúa đòng- trổ, tiếp tục đánh bắt bằng các biện pháp thủ công (bẫy bán nguyệt, đào hang,..) kết hợp sử dụng thuốc hóa học Racumin. Không nên sử dụng điện để đánh bắt chuột.
- Các vùng lúa trước đây thường bị bệnh héo khô cây lúa giai đoạn chín, nên theo dõi để phun phòng trừ nấm và vi khuẩn bằng Totan hoặc Xantocin + Nevo giai đoạn đòng sắp trổ, ngoài tác dụng phòng héo khô cây lúa còn phòng trừ bệnh khô vằn, lem lép hạt. Các đối tượng khác như bệnh bạc lá, đốm nâu, thối thân, thối bẹ, sâu đục thân, … theo dõi và xử lý trên diện hẹp khi mới xuất hiện.
Trong quá trình phun thuốc bảo vệ thực vật cần chú ý: Phun đủ lượng thuốc và nước ghi trên nhãn bao bì. Nên phun vào chiều mát (nếu trời không mưa), sau khi phun gặp mưa phải tiến hành phun lại.
- Khi phun thuốc trừ rầy ruộng phải có nước. Những ruộng mật độ rầy cao, thường hay gây hại nặng cần giữ nước trong ruộng đến lúc gần thu hoạch hoặc mật độ rầy đã giảm mới tháo cạn nước để chuẩn bị thu hoạch. Nghiêm cấm việc sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Acetamiprid như Actatoc, Asimo super, Penalty, Chesone, Calira, Sachray, Azorin,… để phun trừ rầy giai đoạn lúa trổ trở về sau.
2. Đối với cây lạc:
- Bệnh héo rũ (do nấm và vi khuẩn) tiếp tục gây hại, nhất là các vùng đất chuyên trồng lạc, cần theo dõi kiểm tra xác định nguyên nhân gây hại do nấm hay vi khuẩn để phòng trừ hiệu quả bằng các loại thuốc như Vilaxyl, Mataxyl, Ridomil gold, Monceren (do nấm) hoặc Staner, Diboxylin (do vi khuẩn).
- Do tác nhân gây bệnh ở trong đất nên cần phun kỹ ướt đẫm lá và gốc cây, phun khi bệnh mới xuất hiện. Nhổ bỏ cây bị bệnh đưa ra khỏi ruộng tránh lây lan.
- Các bệnh hại khác như đốm lá, gỉ sắt,… theo dõi để phun trừ bằng các loại thuốc: Tiltsuper, Vixazole,... kết hợp với chăm sóc, xới xáo và tưới nước (nếu được).
- Sâu ăn lá (sâu xanh, sâu khoang) tiếp tục gây hại, thường xuyên kiểm tra để phun trừ những nơi mật độ sâu cao bằng một trong các loại thuốc như Dylan, Proclaim, Verismo, Map Winner, Vimatox…
Việc chăm sóc, phòng trừ sau bệnh cho cây trồng là khâu quan trọng trong quyết định năng suất, sản lượng, vì vậy UBND các phường, xã, các HTXNN cần tập trung chỉ đạo và hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ kịp thời.