Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Một số điểm nổi bật của Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
Ngày cập nhật 20/12/2020

Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019 thì việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập và việc kê khai của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Luật, việc kê khai thực hiện theo mẫu do Chính phủ quy định; Theo đó, ngày 30/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

 

Nghị định 130/2020/NĐ-CPquy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và một số biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập phù hợp với phân cấp quản lý cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định tại Quy chế phối hợp giữa các Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định tại Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng. Nghị định 130/2020/NĐ-CP có một số điểm nổi bật, như sau:

 

Thứ nhất, về mẫu bản kê khai và việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, Điều 9 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định 2 loại mẫu: Đối với kê khai lần đầu, kê khai hàng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ được thực hiện theo Mẫu bản kê khai và Hướng dẫn việc kê khai tại Phụ lục I của Nghị định. Đối với kê khai bổ sung được thực hiện theo Mẫu bản kê khai và Hướng dẫn việc kê khai bổ sung tại Phụ lục II của Nghị định.

 

Thứ hai, về người có nghĩa vụ kê khai hàng năm,khoản 1 Điều 10Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định cụ thể các ngạch công chức và chức danhcó nghĩa vụ kê khaigồm: Chấp hành viên, Điều tra viên, Kế toán viên, Kiểm lâm viên, Kiểm sát viên, Kiểm soát viên ngân hàng, Kiểm soát viên thị trường, Kiểm toán viên, Kiểm tra viên của Đảng, Kiểm tra viên hải quan, Kiểm tra viên thuế, Thanh tra viên, Thẩm phán. Như vậy, các chức danh “Thẩm tra viên”, “Thư ký Tòa án, “Công chứng viên Nhà nước” được quy định theo Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập sẽ không phải thực hiện kê khai thu nhập hàng năm kể từ ngày 20/12/2020.

 

Thứ ba, việc công khai bản kê khai tại cơ quan, đơn vị, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 130/2020/NĐ-CP thì đối với những người thuộc phạm vi kiểm soát của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (đối với ngành KSND thì Viện KSND tối cao là Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Viện KSND được quy định tại khoản 7 Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng) thì bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc Ngành ở cấp tỉnh, cấp huyện được niêm yết tại trụ sở cơ quan tỉnh, huyện, thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày (theo Nghị định 78/2013/NĐ-CP thì thời gian niêm yết tối thiểu là 30 ngày liên tục), vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai) hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức của đơn vị (cuộc họp phải bảo đảm có mặt tối thiểu 2/3 số người được triệu tập). Bản kê khai được công khai chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

 

Thứ tư, đối với người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, Điều 12 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định phải công khai bản kê khai, bao gồm: bản kê khai lần đầu, bản kê khai phục vụ việc bổ nhiệm và bản kê khai hàng năm hoặc bản kê khai bổ sung liền trước đó. Việc công khai được thực hiện bằng hình thức công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm và được ghi vào biên bản cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

 

Thứ năm, về xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai, khoản 1 Điều 20 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệmvà nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch, trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật. Bên cạnh đó, có thể bị xử lý xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử nếu người vi phạm đang ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến nếu người vi phạm được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ. Đồng thời, khoản 1 Điều 20 Nghị định quy định trường hợp người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

 

Thứ sáu, về phê duyệt và thực hiện kế hoạch xác minh, Điều 15 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định trước ngày 31/01 hàng năm, người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (đối với ngành KSND là Viện trưởng Viện KSND tối cao theo khoản 7 Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng) phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh hàng năm và phải bảo đảm số cơ quan, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của Viện KSND tối cao. Trong số các cơ quan, đơn vị của Ngành được chọn ra này, sẽ tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên (bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính) bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm ở cơ quan, đơn vị đó, đồng thời trong số 10% này phải có ít nhất 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

 

Nghị định 130/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020 thay thế Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập. Nghị định 130/2020/NĐ-CP khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối vớingười có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đó có công chức có chức vụ, quyền hạn của Viện KSND. Qua đó, đảm bảo cho công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay đạt hiệu quả, chất lượng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta đối với Đảng, Nhà nước./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 795.873
Truy cập hiện tại 1.149